banner moi
Học Viện Giáo Dục Đầu Tư & Quản Lý Tài Sản
sec-1
QUẢN LÝ VẬN HÀNH TRƯỜNG HỌC

CHƯƠNG TRÌNH MẦM NON DỰ ÁN GAIA KIDS PROGRAM

TƯ VẤN THIẾT KẾ XÂY DỰNG TRƯỜNG

THIẾT KẾ CHƯƠNG TRÌNH HOC MOET, SONG NGỮ

PHƯƠNG PHÁP TIẾP CẬN REGGIO EMILLIA

TƯ VẤN PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC STEAM

Tìm hiểu về giáo dục thể chất Nhật Bản qua nghiên cứuChương trình giáo dục Tiểu học Nhật Bản

1. Đặt vấn đề

Trong xu thế toàn cầu hóa, Nhật Bản là một quốc gia có nền giáo dục phát triển và đậm chất văn hóa. Giáo dục (GD) Tiểu học (TH) là cấp học được Nhật Bản rất quan tâm và đầu tư rất nhiều nguồn lực để phát triển, trong đó giáo dục Thể chất đóng vai trò cực kì quan trọng trong việc phát triển con người Nhật Bản.

Ở hầu hết các trường TH Nhật Bản, giáo dục thể chất chiếm 10% thời lượng tổng số các tiết học, thậm chí một số trường, một số môn như bơi lội… được coi là môn “phổ cập”. Ngoài giờ học chính thức của môn thể chất đã được quy định, học sinh (HS) TH của Nhật Bản còn tham gia vào các câu lạc bộ thể thao trong nhà trường trước và sau giờ học, ngoài ra còn có thời gian chơi tự do cho HS TH.

Đề tài độc lập cấp quốc gia, mã số 03/07- ĐTĐL.XHXNT với tên gọi “Nghiên cứu mô hình GD TH Nhật Bản và đề xuất vận dụng cho GD TH ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục” nước nhà, do nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) – TS. Nguyễn Vinh Hiển làm chủ nhiệm được thực hiện bắt đầu từ năm 2018 và sẽ kéo dài đến năm 2020.

Giáo dục thể chất và sức khỏe, dinh dưỡng HS TH cũng là một lĩnh vực nghiên cứu được đề tài quan tâm và thực hiện. Để giúp cho quá trình nghiên cứu đề tài được thuận lợi, đã có nhiều tài liệu được Nhật Bản cung cấp cùng sự tìm tòi của những người tham gia nghiên cứu, cũng như những trải nghiệm của các đợt công tác tại Nhật Bản và một số trường quốc tế Việt Nam- Nhật Bản tại Hà Nội.

Nhóm tác giả tham gia nghiên cứu vấn đề này là các chuyên gia GD thể chất giàu kinh nghiệm đã có nhiều năm tham gia nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng và tập huấn giáo viên (GV), cũng như làm công tác chỉ đạo chuyên môn của Bộ GD&ĐT.

Sau đây là một số phát hiện được khi tìm hiểu về GD thể chất của Nhật Bản qua chương trình GD TH Nhật Bản mới nhất được ban hành năm 2017 (Thông báo số 63, ngày 31/3/2017 của Bộ trưởng Bộ GD, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản về việc thực hiện Chương trình giảng dạy, học tập cấp TH).

2. Nội dung nghiên cứu

2.1. Những phát hiện về giáo dục Tiểu học Nhật Bản

2.1.1. Về mục tiêu

GD Nhật Bản từ lâu đã được thế giới ca ngợi là hình mẫu của một nền GD thành công. Triết lí GD của Nhật Bản cho rằng mỗi đứa trẻ đều đặc biệt cần được hưởng một nền GD chất lượng và công bằng. Mục tiêu bao quát của GD Nhật Bản là truyền cảm hứng cho HS và giúp họ sống một cuộc sống hạnh phúc, trọn vẹn.

Vì vậy, Nhật Bản có một hệ thống GD bình đẳng, đồng bộ, HS được phát huy hết năng lực và dễ dàng hòa nhập với cuộc sống. GD TH Nhật Bản bao gồm 6 năm học (lớp 1 đến lớp 6) với mục đích hoàn thiện nhân cách con người, đào tạo ra những công dân khỏe mạnh cùng với tinh thần và thể chất được trang bị đầy đủ những tư chất cần thiết để làm người xây dựng xã hội, xây dựng một quốc gia hòa bình dân chủ và đạt được 5 mục tiêu tóm tắt là:

– Đào tạo những con người biết tiếp thu những nguồn tri thức và GD, có thái độ tìm kiếm chân lí, những con người khỏe mạnh với tấm lòng đạo đức, giàu tình cảm.

– Tạo ra những con người biết tôn trọng giá trị cá nhân, bồi đắp tính sáng tạo, tinh thần tự lập tự chủ, coi trọng những gì liên quan tới sinh hoạt, nghề nghiệp và lao động.

– Tạo ra những con người chính nghĩa, có trách nhiệm, bình đẳng nam nữ, tôn trọng bản thân và mọi người khác, dựa trên tinh thần của cộng đồng chung, góp phần tham gia vào việc xây dựng và phát triển xã hội.

– Tạo ra những con người biết tôn trọng sinh mạng, nhận thức được sự quan trọng của tự nhiên, góp phần bảo vệ môi trường.

– Tạo ra những con người tôn trọng truyền thống và văn hóa, yêu quê hương tổ quốc mình, đồng thời tôn trọng các nước bạn, có thái độ đóng góp cho sự phát triển và hòa bình quốc tế.

2.1.2. Chương trình giáo dục Tiểu học Nhật Bản

Chương trình giảng dạy – học tập cấp TH của Nhật Bản là một chương trình mở do Bộ trưởng Bộ GD, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản ban hành thống nhất chung cả nước.

Dựa trên khung Chương trình GD chung này, mỗi địa phương sẽ vận dụng những đặc trưng riêng, những kinh nghiệm trong thực tiễn giáo dục, những tích lũy trong nghiên cứu khoa học, những vấn đề hiện trạng của địa phương, nhu cầu và đặc điểm của trẻ em trong vùng, sự hợp tác với gia đình và cộng đồng để sáng tạo xây dựng một chương trình GD phù hợp với từng nơi.

Các trường TH Nhật Bản đều thực hiện dạy học cả ngày ở trường với một thời khóa biểu khép kín rất khoa học. Mỗi nhà trường đều có các lớp học riêng và một số phòng chức năng có thể sử dụng chung bởi các khối lớp khác nhau.

Hầu hết các trường TH tại Nhật Bản đều có Nhà đa năng để tổ chức các hoạt động GD tập thể. Đó có thể là nơi sinh hoạt chung các khối lớp từ lớp 1 đến lớp 6 với nhiều nội dung hấp dẫn và do các em học sinh tự thực hiện như biểu diễn nghệ thuật, thi đấu các môn thể thao trong nhà, khen thưởng HS có thành tích học tập cao hoặc siêng năng tham gia các hoạt động giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.

Chương trình GD thể chất là một trong những vấn đề rất được quan tâm trong GD TH Nhật Bản với khẩu hiệu “Đức-Trí-Thể-Thực” bởi người Nhật Bản quan niệm rằng HS ở lứa tuổi TH cần được chuẩn bị một sức khỏe và thể lực tốt nhất để thành công trong những cấp học tiếp theo và cuộc sống sau này.

Do vậy, trong các trường TH ở Nhật Bản luôn có nhiều sân tập thể thao ngoài trời và trong nhà cho HS tập luyện. Sách giáo khoa các môn học và sách GV được biên soạn công phu, khoa học, in 6 màu đẹp, sắc nét, giấy in tốt, bìa cứng để sử dụng lâu dài. Ngoài các sách giáo khoa còn có nhiều tài liệu tham khảo với nhiều chủng loại khác nhau.

Thư viện của các trường TH có rất nhiều sách, tài liệu học tập, tham khảo với diện tích khá rộng, trang trí đẹp, tiện lợi để phục vụ HS đọc hằng ngày.

2.3. Về đội ngũ giáo viên và học sinh Nhật Bản

Chuẩn GV TH của Nhật Bản phải tốt nghiệp đại học sư phạm, họ được đào tạo bài bản, chính quy và phải có thẻ hành nghề.

Đội ngũ GV TH rất tận tâm và nhiệt tình với công việc, họ luôn là những người bạn với HS. Phong cách các GV đĩnh đạc, hòa đồng, ăn mặc giản dị và gần như không có khoảng cách giữa HS và GV.

Mỗi GV đều là tấm gương cho HS. Các môn Mĩ thuật, Âm nhạc, Thể dục do GV được đào tạo chuyên sâu giảng dạy. Mọi hoạt động trong nhà trường đều do HS và GV của trường đảm nhiệm.

Mỗi buổi sáng, HS đến trường đều được hiệu trưởng, GV đón từ ngoài cửa lớp và động viên, khích lệ học tập ngay từ đầu giờ buổi sáng và khi HS ra về, các GV của trường đều đứng tiễn chào các em với tình cảm vô cùng ấm áp và thân thương.

Kĩ năng độc lập và tinh thần vượt khó, vươn lên là những kĩ năng được chú trọng trong GD cho HS Nhật Bản. Do vậy, HS TH Nhật Bản dù ít tuổi nhưng rất độc lập, tự chủ, có kĩ năng giao tiếp tốt, mạnh dạn, tự tin, hăng hái tham gia các hoạt động học tập.

Trong nhiều đợt công tác nghiên cứu tại Nhật Bản, đoàn công tác của Bộ GD&ĐT qua giao tiếp với HS các trường đều chung cảm nhận, phần lớn HS TH khá chủ động và thể hiện được chính mình, chứng tỏ các em đã được chăm sóc và GD rất bài bản.

HS ngay từ lớp 1 đã tham gia các hoạt động phù hợp với lứa tuổi của mình, ví dụ như: Tự lấy dụng cụ học tập, vệ sinh bàn ghế lớp học, chia bát, dọn bát, lấy đũa khi đến giờ ăn trưa…, HS các lớp lớn hơn thì dọn vệ sinh lớp học, lau dọn nhà vệ sinh, lau cửa kính, chia cơm, thức ăn.

Tất cả mọi người đều phải tham gia phân loại rác và bỏ vào nơi quy định, ý thức bảo vệ môi trường rất cao.

2.1.4. Một số vấn đề khác trong giáo dục tiểu học

Nguyên tắc bình đẳng trong GD được đề cao, GD thể chất luôn được coi trọng như những môn học khác và không phân biệt.

Người Nhật coi chăm sóc cơ thể và chăm sóc việc học tập của mình là trách nhiệm của một công dân.

Khái quát về GD của Nhật Bản có thể được gói gọn trong mấy chữ: “Đức-Trí-Thể-Thực”. Các trường TH đều tổ chức ăn trưa tại trường rất khoa học, văn minh, đủ chất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tất cả bữa ăn trong tuần và xuất ăn trong mỗi ngày của mỗi HS đều có 1 hộp sữa tiệt trùng và các em đều phải uống sữa sau khi ăn trưa, sau đó tự xé các vỏ hộp, đem rửa sạch sẽ và xếp vào nơi quy định.

Chúng tôi đã được đến thăm một cơ sở sản xuất và chế biến các xuất ăn trưa, tìm hiểu khẩu phần ăn, chế độ dinh dưỡng, cách thức sản xuất, mọi thứ đều đạt chuẩn và được giữ gìn vệ sinh cẩn thận, có lưu mẫu thức ăn hằng ngày.

Các món ăn được thay đổi liên tục trong tuần với vài chục thực đơn khác nhau. Nguồn nguyên liệu chế biến đều lấy tại địa phương với nguồn gốc rõ ràng.

Tất cả GV và HS đều cùng ăn một thực đơn trong ngày và ăn ngay tại lớp học hoặc ăn tập trung tại nhà ăn tập thể. Sau đó các em cùng nhau dọn vệ sinh, lau dọn bát đũa, khay và chuyển các dụng cụ phục vụ cho ăn uống tập kết về nơi quy định. Chế độ dinh dưỡng dành cho HS TH Nhật Bản hợp lí và cùng với các hoạt động thể dục, thể thao sẽ rất đảm bảo cho HS phát triển toàn diện.

HS khuyết tật có quyền được đi học hòa nhập cùng với HS phổ thông bình thường. Các trường TH đều có phòng hỗ trợ GD đặc biệt cho những HS này. Những HS khuyết tật cũng được tham gia các hoạt động GD thể chất như các bạn HS bình thường khác và được GV và nhân viên hỗ trợ điều chỉnh theo nhu cầu và khả năng của HS.

2.2. Những phát hiện đối với môn Giáo dục thể chất ở cấp Tiểu học

2.2.1. Về mục tiêu của chương trình môn học

Mục tiêu của môn học nhằm trang bị cho HS cách nhìn và cách suy nghĩ về thể dục và bảo vệ sức khỏe, thông qua quá trình học tập, rèn luyện thể dục thể thao nhằm phát triển những tư chất, năng lực, duy trì và tăng cường sức khỏe trong cuộc sống.

Thông qua chương trình môn GD thể chất ở cấp Tiểu học: – HS hiểu được về sức khỏe, an toàn trong cuộc sống xung quanh, cách thực hiện những vận động ứng với những đặc tính và tiếp thu được những kĩ năng động tác cơ bản. 

– HS biết được khả năng của bản thân về vận động và sức khỏe, phán đoán, tư duy về hướng giải quyết, nuôi dưỡng khả năng truyền tải tới người khác.

– HS có thói quen vận động, với mục tiêu nâng cao thể lực và duy trì sức khỏe, nuôi dưỡng thái độ có một cuộc sống vui vẻ, tươi sáng.

Việc bảo vệ sức khỏe và an toàn của con người luôn được người Nhật rất chú trọng, do Nhật Bản là một nước chịu nhiều thiên tai, con người luôn phải khắc phục hoàn cảnh. Nhiều sự việc không mong đợi có thể xảy ra đó là: Động đất, sóng thần… nên người Nhật rất quan tâm đế vấn đề con người cần có thể lực tốt để chuẩn bị cho cuộc sống không mong đợi hoặc làm thế nào để bảo vệ an toàn cho bản thân và cho những người khác khi những điều này xảy ra.

Thông qua các hoạt động GD thể chất, HS TH Nhật Bản còn hiểu rõ được năng lực của bản thân, cơ hội và những thách thức mà bản thân gặp phải, từ đó xây dựng và thực hiện các giải pháp phù hợp với năng lực và khả năng của bản thân.

Trong các hoạt động vận động hằng ngày, HS TH Nhật Bản sẽ được cải thiện sức khỏe để chuẩn bị thể lực cho các cấp học cao hơn và cho cuộc sống sau này. Cùng với đó, khi có thói quen vận động thường xuyên, HS sẽ giảm được những áp lực trong học tập và cuộc sống, có như vậy HS mới có cuộc sống vui vẻ, sảng khoái.

2.2.2. Về nội dung chương trình

GD thể chất cho HS của Nhật Bản rất được coi trọng và quan tâm đặc biệt. Tại Nhật Bản các lớp tiểu học đều có ít nhất 3 tiết Thể dục/tuần và mỗi ngày vào cuối buổi học đều có hoạt động của các câu lạc bộ thể dục thể thao.

Chương trình môn GD thể chất cấp TH của Nhật Bản có 6 năm với 6 nội dung cơ bản. Các nội dung của chương trình môn Thể dục cấp TH Nhật Bản là:

a. Những trò chơi vận động sử dụng cơ thể

b. Những vận động mà có sử dụng dụng cụ (thể dục dụng cụ)

c. Những trò chơi vận động chạy-nhảy (vận động Chạy nhảy – điền kinh)

d. Những trò chơi dưới nước (bơi lội)

Về phương pháp đánh giá của môn học:

Việc đánh giá HS được GV thực hiện trong suốt quá trình dạy học. Chương trình môn học Thể dục cấp TH của Nhật Bản có nêu rõ các nội dung và yêu cầu cần đạt đối với mỗi nhóm lớp HS. Trong quá trình học tập, HS được tự đánh giá về mình mà không đánh giá nhận xét về bạn. HS chỉ quan sát hoặc giúp đỡ bạn thực hiện và các em chỉ tham chiếu xem mình đã làm được chưa, làm đến đâu hoặc thực hiện như thế nào.

Đây là sự khác biệt lớn giữa GD của Nhật Bản và Việt Nam. Về sách giáo khoa môn học và các hoạt động GD: HS TH Nhật Bản không có sách học môn Thể dục, chỉ có sách dành cho GV và mỗi lớp 1 cuốn. Sách GV hướng dẫn dạy học môn Thể dục đối với từng nội dung của mỗi lớp rất cụ thể và kĩ càng.

Sách được trình bày đẹp, in 6 mầu sắc nét với nhiều hình ảnh được chú thích rõ ràng, kể cả các bài tập hay động tác dành cho HS hoặc GV, nên sách là cẩm nang, tài liệu dạy học và tham khảo rất tốt cho mỗi GV. Các sách dạy học đều có đĩa hình kèm theo, vì vậy GV có thể sử dụng ngay đĩa hình để chiếu minh họa cho HS xem các động tác và rất trực quan sinh động.

2.3. Đề xuất vận dụng cho giáo dục thể chất Tiểu học Việt Nam

Có rất nhiều điều hay và thú vị được rút ra khi nghiên cứu về GD TH Nhật Bản mà Việt Nam có thể vận dụng được, trong đó có lĩnh vực GD thể chất nói chung và GD thể chất, sức khỏe và dinh dưỡng học đường cấp TH nói riêng. Trong phạm vi nghiên cứu này, chúng tôi xin đề xuất và bàn luận một số vấn đề sau:

1/ Chương trình GD thể chất cấp TH chỉ nên là khung chung và mang tính mở. Căn cứ vào chương trình chung, mỗi thành phố, tỉnh lựa chọn và thống nhất biên soạn để có chương trình cụ thể phù hợp với HS địa phương mình. Điều này Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện được, nhưng trước hết phải nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lí, GV và biên soạn lại chương trình GD thể chất theo tinh thần của Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Có thể vận dụng một số nội dung phù hợp trong Chương trình GD thể chất của Nhật Bản để xây dựng chương trình GD thể chất mới của Việt Nam .

2/ Chương trình GD thể chất nên được thực hiện khoảng 3 tiết/tuần đối với HS TH Việt Nam, đặc biệt là các lớp đầu cấp TH. Bởi thông qua chương trình GD thể chất, HS được học nhiều kĩ năng hơn trong cuộc sống, xây dựng các thói quen tập thể dục và chăm sóc sức khỏe, nâng cao tính độc lập, tự chủ trong học tập và sinh hoạt, xây dựng và trau dồi các phẩm chất và năng lực cần thiết cho cuộc sống sau này. Do vậy, cần cấu trúc lại Chương trình GD phổ thông trong đó tăng thêm thời gian học tập cho môn Thể dục và các hoạt động thể dục thể thao.

3/ Chủ động, tích cực đổi mới nội dung và phương pháp GD thể chất. Trước hết về nội dung dạy học thể dục ở cấp TH tập trung vào các trò chơi vận động và hoạt động tự nhiên của con người để GD thể chất, giữ gìn sức khỏe và phát triển các tố chất thể lực cho HS. Học tập phương pháp dạy học thể dục TH của Nhật Bản, đưa Hexathlon là chương trình vận động cơ bản tiên tiến vào GD thể chất HS TH. Bởi nội dung, phương pháp dạy học cùng với các dụng cụ đơn giản, linh hoạt, nhiều cách chơi, rất phù hợp với lứa tuổi HS TH.

4/ Đào tạo – bồi dưỡng: Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng GV dạy môn Thể dục. Do đặc thù của đại đa số đội ngũ GV TH dạy môn Thể dục là kiêm nhiệm, nên đội ngũ GV cần được thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật thông tin mới.

Ngành GD cần có biên chế cho đội ngũ GV dạy Thể dục cấp TH, bởi tính chất đặc thù của môn học là đào tạo nên con người có sức khỏe tốt. Đổi mới công tác đào tạo GV dạy Thể dục tại các trường sư phạm, trong đó có GV dạy thể dục TH, bởi thời gian đào tạo GV chuyên trách còn nhiều hạn chế. Khối lượng kiến thức và kĩ năng, cũng như được học tập nhiều môn thể thao khác của giáo sinh Việt Nam còn ít, đã làm hạn chế đến việc lựa chọn dạy các môn thể thao tự chọn sau này ở nhà trường phổ thông.

Thời gian kiến tập, thực tập của giáo sinh quá ngắn, ít được thực nghiệm tại các trường học. Thực tế của GD thể chất phổ thông nước ta hiện nay cho thấy chất lượng đội ngũ GV thể chất còn yếu, đặc biệt về kĩ năng lựa chọn nội dung, phương pháp dạy học phù hợp cho các đối tượng của GV còn kém. Đội ngũ GV dạy thể dục của Nhật Bản lại rất mạnh trong lĩnh vực này.

5/ Cơ sở – vật chất: Đầu tư đủ cơ sở vật chất, thiết bị cho tập luyện và hoạt động thể dục thể thao trong trường học. Các trường học cần có nhà đa năng, có đủ sân tập, sân chơi để tổ chức các hoạt động GD và GD thể chất, tập luyện thể thao.

6/ Tổ chức dạy học cả ngày tại trường là tạo cơ hội và giá trị để HS được chăm sóc và phát triển thể chất, thể lực. Thông qua việc trải nghiệm ở trường cả ngày, HS sẽ được GD toàn diện và đầy đủ “Đức- Trí- Thể-Mĩ”. Cần quy định tất cả HS TH phải được ăn bữa trưa dinh dưỡng ở trường học- điều này có ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển thể chất, sức khỏe HS và chất lượng GD TH của một quốc gia. Việc tổ chức ăn trưa cho HS ở trường TH mấy năm qua cũng đã có khá nhiều kinh nghiệm, do nhiều trường cũng đã tổ chức cho HS ăn trưa nhiều năm, kể cả những trường học ở vùng khó khăn nhờ sự hỗ trợ của một số dự án của Bộ GD&ĐT.

7/ Một số nhà trường có đủ điều kiện có thể thực hiện “xóa mù bơi” cho tất cả HS. 3. Kết luận GD TH Nhật Bản và chương trình GD thể chất cấp TH Nhật Bản có nhiều điểm thú vị, trong đó GD thể chất tại Nhật Bản có vai trò rất quan trọng trong việc chuẩn bị cho thế hệ tương lai phát triển lành mạnh và có nhân cách tốt. Việt Nam hoàn toàn có thể học tập mô hình GD Nhật Bản để hướng tới một nền GD có chất lượng trong tương lai, nhưng muốn làm được điều đó cần có thêm những nghiên cứu sâu về vấn đề này, đồng thời đi đầu đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng GV ngay tại các trường sư phạm.

Tài liệu tham khảo

[1] J. Dearden, (2014), English as a medium of instruction – [1] Bộ Giáo dục, Văn hoá, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản, (2016), Báo cáo nhanh thống kê sức khoẻ trường học. 日本文部科学省 (2016) 学校の健康に関する簡単報 告書

[2] Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lí cơ sở giáo dục, (2016 -2017), Báo cáo tình hình về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên các trường sư phạm.

[3] Bộ Giáo dục, Thể thao, Văn hoá, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản, (2017), Chương trình giáo dục thể chất cấp Tiểu học của Nhật Bản.

[4] Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, (2017), Báo cáo của Đoàn công tác khảo sát chương trình Hexathlon-Mizuno Nhật Bản.

[5] Bộ Giáo dục, Văn hoá, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản, (2017),Chương trình giáo dục thể chất “Hexathlon”- Mizuno Nhật Bản.

[6] Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, (2006), Chương trình môn Thể dục Tiểu học Việt Nam hiện hành (Quyết định 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05/5/2006 Ban hành Chương trình giáo dục phổ thông).

[7] Đề tài độc lập cấp Quốc gia Nghiên cứu mô hình giáo dục Tiểu học Nhật Bản và đề xuất vận dụng cho giáo dục Tiểu học ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Mã số 03/07- ĐTĐL.XH-XNT

[8] Đề tài độc lập cấp Quốc gia, mã số 03/07- ĐTĐL.XHXNT, Báo cáo của nhóm nghiên cứu giáo dục thể chất và dinh dưỡng học đường tại Hội thảo về cơ sở lí luận khoa học và thực tiễn nghiên cứu của đề tài tại Hà Nội, tháng 6/2018.

VỀ GAIA EDUCATION 

Tiền thân hoạt động từ năm 2010, thành lập chính thức từ 2019 , với hơn 14 năm hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, chúng tôi tự hào mang đến những giá trị tốt nhất cho khách hàng tại HCM và trên cả nước. Chúng tôi hân hạnh cung cấp các dịch vụ sau : 

+TƯ VẤN SET UP TRƯỜNG THEO TIÊU CHUẨN VN VÀ QUỐC TẾ

+TƯ VẤN PHÁT TRIỂN CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC MOET VÀ QUỐC TẾ

+ TƯ VẤN QUẢN LÝ VÀ VẬN HÀNH TRƯỜNG

Yêu Cầu Báo Giá 

Nếu quý khách có nhu cầu tham khảo giá cả, tư vấn sâu hơn về dịch vụ, xin vui lòng liên hệ: 

TƯ VẤN THIẾT KẾ XÂY DỰNG & VẬN HÀNH TRƯỜNG  

KIẾN THỨC NUÔI DẠY CON 

TIN TỨC